Kỳ vọng 3 tuyến đường cao tốc kết nối TP.HCM với các tỉnh phía Nam

Dự án cao tốc TPHCM – Mộc Bài, TPHCM – Thủ Dầu Một – Chơn Thành và Bến Lức – Long Thành là các dự án trọng điểm, đang được kỳ vọng sớm hoàn thành để tăng tính kết nối, phát triển Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

Cao tốc Bến Lức – Long Thành

Cao tốc Bến Lức – Long Thành dài 57km (đi qua Long An, TPHCM và Đồng Nai), tổng mức đầu tư 31.300 tỉ đồng. Điểm đầu tuyến giao với cao tốc TPHCM – Trung Lương và đường vành đai 3 (TPHCM); điểm cuối giao quốc lộ 51 (tỉnh Đồng Nai).

Khởi công tháng 7.2014, quy mô 4 làn xe và 2 làn dừng khẩn cấp, vận tốc thiết kế 100km/h. Theo kế hoạch, công trình dự kiến hoàn thành năm 2018, các cơ quan chức năng đang thu xếp tìm nguồn vốn cho dự án và dự kiến dời thời gian hoàn thành đến năm 2023. Hiện, dự án đạt hơn 80% khối lượng.

Cao tốc Bến Lức – Long Thành – Ảnh: Duy Quang.

Tuyến cao tốc này khi hoàn thành sẽ giúp giao thông liên vùng miền Tây đi Vũng Tàu, Đồng Nai không cần “quá cảnh” TPHCM, kết nối với mạng đường cao tốc – quốc lộ, với hệ thống cảng biển Cái Mép – Thị Vải và với sân bay quốc tế Long Thành.

Cao tốc TPHCM – Mộc Bài

Cao tốc TPHCM – Mộc Bài dài hơn 53km, điểm đầu giao Vành đai 3 ở huyện Củ Chi (TPHCM), điểm cuối tại Khu kinh tế Mộc Bài (Tây Ninh).

Tuyến cao tốc được đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP), hợp đồng BOT (xây dựng – kinh doanh – chuyển giao). Sở Giao thông Vận tải TPHCM vừa hoàn chỉnh báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án với tổng mức đầu tư 15.900 tỉ đồng. Tổng chi phí giải phóng mặt bằng khoảng 7.433 tỉ đồng, trong đó, phần đền bù giải toả ở TPHCM chiếm hơn 5.900 tỉ đồng, còn lại thuộc địa bàn Tây Ninh.

Tuyến cao tốc TP.HCM – Mộc Bài.

Tuyến cao tốc có ý nghĩa quan trọng kết nối vùng và kết nối đường vành đai 3, 4 nên phương tiện từ các tỉnh miền Tây, Tây Nguyên sẽ dễ dàng tới cửa khẩu Mộc Bài, góp phần thúc đẩy giao thương giữa Việt Nam với Campuchia và cả khu vực ASEAN.

Cao tốc TPHCM – Thủ Dầu Một – Chơn Thành

Đường cao tốc này dài khoảng 70km, rộng 64m cho 6-8 làn xe. Công trình có tổng mức đầu tư khoảng 36.000 tỉ đồng, vốn nhà nước tham gia dự kiến chiếm 47% (tương đương 17.000 tỉ đồng), nhà đầu tư bỏ vốn 19.000 tỉ đồng.

Trong đó, đoạn qua TPHCM dài 1,5 km, từ nút giao Gò Dưa chạy trên cao đến ranh tỉnh Bình Dương, đầu tư khoảng 3.000 tỉ đồng. Đoạn qua Bình Dương dài 57km, gồm 28km đi trên cao, xây dựng khoảng 10 cầu vượt, kinh phí ước tính 30.000 tỉ đồng. Đoạn còn lại qua Bình Phước khoảng 11,5 km, làm 6 làn xe đồng bộ với cao tốc Đắk Nông – Chơn Thành, kinh phí 3.000 tỉ đồng.

Tuyến cao tốc TP.HCM – Thủ Dầu Một – Chơn Thành.

Ba địa phương có dự án đi qua đã kiến nghị Thủ tướng giao tỉnh Bình Phước là cơ quan có thẩm quyền và hỗ trợ nguồn vốn từ ngân sách Trung ương trong kế hoạch trung hạn 2021-2025 để triển khai dự án.

Mới đây, Thủ tướng giao UBND tỉnh Bình Phước, Bình Dương và TPHCM báo cáo HĐND cấp tỉnh để đồng thuận giao tỉnh Bình Phước là cơ quan có thẩm quyền thực hiện dự án.

Xem thêm: Tuyến vành đai 3 TP.HCM sẽ hoàn thành trong năm 2025

Trang Hạ


Bài viết liên quan