Bất động sản là kênh đầu tư trú ẩn của dòng tiền khi lạm phát gia tăng

Nhiều nhà đầu tư đã bắt đầu tìm kiếm kênh đầu tư trú ẩn dòng tiền, trong đó có bất động sản. Lý do vì lo ngại lạm phát gia tăng sau thời kỳ khủng hoảng vì dịch bệnh, đặc biệt là khi Chính phủ tung gói kích thích kinh tế vào năm 2022.

Vừa qua, các chuyên gia đã đưa ra những phân tích, bình luận quanh chủ đề Lạm phát và bất động sản tại chương trình “Có hẹn với chuyên gia BĐS”.

Phó Viện trưởng Viện Đổi mới sáng tạo, ĐH Kinh tế TP.HCM Huỳnh Phước Nghĩa cho rằng, chắc chắn đã có những dấu hiệu chỉ báo về lạm phát, ảnh hưởng đến kinh tế trong năm 2022. Tuy nhiên do Việt Nam đang có bước điều chỉnh cách tính “rổ lạm phát”, chưa dùng phương pháp dữ liệu lớn nên một số vấn đề lạm phát thực tế chưa đạt được độ “real time”.

Nói về những biểu hiện mang tính kinh tế vĩ mô, Nhà nước đã bắt đầu xử lý tín hiệu lạm phát như: Siết dòng tiền ở một số lĩnh vực đầu tư từ ngân hàng; Ưu tiên bơm tiền vào nền kinh tế trong đó xem xét phục hồi nền kinh tế ở một số lĩnh vực trọng yếu; Xử lý những đứt gãy chuỗi cung ứng và nguyên liệu trong vấn đề phục hồi sản xuất, chi phí đầu vào tăng mạnh, đặc biệt lĩnh vực xây dựng. Xa hơn nữa có thể là việc điều chỉnh lãi suất cho vay.

Một số hình thức đầu tư đang bị đứt gãy khi mối quan hệ kinh tế quốc tế trong chuỗi cung ứng toàn cầu làm ảnh hưởng đến vấn đề linh kiện, nguyên liệu, giao dịch, chi phí logistic… cho thấy bức tranh về lạm phát sẽ xảy ra trong năm 2022.

Như vậy, lạm phát là tình trạng cả các chuyên gia thế giới và Việt Nam đều có thể nhìn thấy được trong năm 2022 do ảnh hưởng của hậu Covid-19. Rất nhiều phương án mà Chính phủ và các chuyên gia đang xem xét để phản ứng về góc độ vĩ mô, tuy nhiên trong vi mô ví dụ một số ngành, sản phẩm dịch vụ, một số lĩnh vực liên quan đầu tư, thị trường tài chính, sẽ có những biến động cần dự báo sâu hơn.

GĐ Nghiên cứu và phát triển DKRA Việt Nam Nguyễn Hoàng nhận xét, gần 2 tháng qua khi Việt Nam dần gỡ bỏ giãn cách xã hội, bắt đầu từng bước bình thường mới, người dân có thể cảm nhận được rõ yếu tố lạm phát, từ chi phí sinh hoạt, lương thực thực phẩm, nông sản, giá dầu, giá vàng… bắt đầu tăng.

Về mặt vĩ mô, áp lực lạm phát cuối năm nay và trong năm 2022 đã rất rõ, đã được nhiều chuyên gia đưa ra phân tích ở các góc độ khác nhau. Những dấu hiệu lạm phát này cũng có tác động đến thị trường bất động sản năm 2021.

Dù chịu tác động từ Covid nhưng giá bất động sản cơ bản giữ nguyên, một số nơi có sự tăng giá đáng kể, đặc biệt trong nửa đầu năm khi chi phí đầu vào của các chủ đầu tư tăng. Áp lực lạm phát trong cuối năm nay và 2022 có thể làm cho giá bất động sản tiếp tục tăng thêm.

Tóm lại lạm phát là vấn đề đã hiển hiện rõ nhưng kỳ vọng sẽ nằm trong tầm kiểm soát mà Chính phủ đưa ra với mức phù hợp sẽ có tác động tích cực cho phát triển kinh tế nói chung cũng như từng lĩnh vực ngành nghề trong đó có bất động sản.

Từ những xác nhận về nguy cơ lạm phát, các chuyên gia cũng đưa ra những nhận định liên quan động thái tìm kiếm kênh trú ẩn dòng tiền của các nhà đầu tư. Theo các chuyên gia, cùng với vàng và chứng khoán, bất động sản sẽ là một trong những lựa chọn của dòng tiền khi lạm phát.

Xem thêm: Bất động sản là kênh đầu tư an toàn, giá sẽ tiếp tục tăng trong năm 2022

 

Minh Anh


Bài viết liên quan